Về 02 câu thơ kết của Truyện Kiều
- Giang Giãy Giụa
- 22 thg 11, 2019
- 4 phút đọc
Dạo này mình bắt đầu thấy bận "sắp mặt" với IPL - một chương trình giáo dục khai phóng phi lợi nhuận mà mình may mắn dành được học bổng sau 01 năm ròng dự tuyển. Ở trường, tụi mình sẽ được học rất nhiều nội dung, xoay quanh các cấu phần năng lực "làm người", "làm dân", "làm việc", "làm sếp", đích đến là trở thành con người tự do - công dân trách nhiệm - chuyên gia ưu tú.
Thực ra thì để nói về IPL là gì thì tự mình cũng chưa thụ đắc được hết đâu vì mình cũng chưa trải nghiệm qua hết (mà cho dù trải nghiệm qua hết thì mình cũng khó dùng ngôn từ để nói hết cái hay của học bổng này), nên các bạn quan tâm thì có thể tìm hiểu thêm ở đây nhé: http://ipl.edu.vn/Upload/files/Brochure-Chuong-trinh-IPL6.pdf
Dưới đây, mình trích toàn bộ lại phần luận của mình cho đề bài liên quan đến 02 câu thơ/hoặc một đoạn thơ trong Truyện Kiều mà bạn yêu thích nhất. Bài luận này hỗ trợ cho buổi học sắp tới của cả lớp mang tên "Bàn về văn học", nằm trong cấu phần "Năng lực làm người".

Bài làm giới hạn trong 500 từ:
“Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.”
Ngày còn nhỏ, tôi có xem một chương trình truyền hình, ban tổ chức hỏi rằng hai câu thơ trích dẫn ở trên là lời kết của tác phẩm nào. Khi đáp án “Truyện Kiều” được cất lên, tôi mới vỡ òa: một tác phẩm được xem là tinh hoa văn hóa Việt, là di sản tinh thần, là kiệt tác quốc âm, thì cớ sao lại có hai câu thơ kết đôn hậu, giản dị và khiêm nhường đến vậy. Sự tương phản đầy bất ngờ đó khiến tôi thực sự ấn tượng sâu sắc với hai câu thơ kết này.
Đầu tiên, bàn về sự khiêm xưng. Nguyễn Du tự gọi 3254 câu thơ nôm tuyệt tác của mình chỉ là “lời quê” dông dài, để “mua vui” cho thiên hạ trong “một vài trống canh”. Ấy thế mà giờ đây, Truyện Kiều từ “lời quê” lục bát trở thành đại diện cho tiếng dân tộc hồn hậu, từ “mua vui” trở thành di sản nâng niu vẻ đẹp tâm hồn, từ “một vài trống canh” trở thành hơn hai trăm năm sau vẫn lưu truyền hậu thế. Mặc dù dựa trên Kim Vân Kiều truyện, nhưng có lẽ nhờ cái tài và cái tình ấy mà truyện thơ của Nguyễn Du có sức lan tỏa theo không gian và thời gian sâu rộng hơn rất nhiều.
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.” (Phạm Quỳnh)
Bên cạnh đó, hai câu thơ kết còn cho tôi thấy sự thông minh của một nhà thơ muốn ý nhị tránh đi cái họa bút mực. Đọc hết tác phẩm, ta có thể thấy rằng Nguyễn Du tả Kiều cũng là để tả mình với những “tiếng than khóc” và “nỗi đau lòng”. Ông là người trung thần gặp buổi Lê suy, phải dặn lòng phù tân quân, cũng như Kiều là một người trinh nữ gặp cơn gia biến, vì chuộc cha phải bán mình. Người có “tài” thì “mệnh” cũng oái ăm. Với tôi, cái “thật” của Truyện Kiều trong việc phác họa nỗi niềm cuộc đời của Nguyễn Du, trong việc phản ánh toàn bộ xã hội đương thời ở cả những góc tối, là rất “nhạy cảm”, nhất là dưới góc nhìn của các bậc trị dân. Nhưng rồi tất cả được Nguyễn Du hóa giải tài tình bằng hai từ “lời quê” và “mua vui” vô cùng đắt giá.
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.”
Tôi tin rằng dù là vài ba trăm năm nữa, vẫn còn người khóc cho Tố Như, không chỉ vì thương sót cho số phận của Kiều và của ông, mà còn khóc vì khâm phục cái tâm - tầm - tài của một đại thi hào, một danh nhân văn hóa thế giới, mà hai câu thơ kết đã góp phần làm rõ.
---
Lâu rồi mình mới trải nghiệm lại cảm giác viết cảm thụ & phân tích văn học như thời cấp 2, cấp 3 thế này. Cũng thú vị thật :D.
Thực sự khi làm xong bài tập này, thì mình vẫn chưa đọc lại hết Truyện Kiều. Mình nhớ trong buổi "Bàn về sự học" đầu tiên, thầy Giản Tư Trung có bảo đại ý nếu bàn đến văn học Việt Nam mà không đọc Truyện Kiều thì còn đọc truyện gì nữa. Và quyển "Truyện Thúy Kiều" (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo) là 1 trong 20 quyển sách mà tụi mình bắt buộc phải đọc hết trong 01 năm học tập trung tại trường. Vậy nên, bây giờ thì ngấu nghiến tiếp sách thôi. Bạn nào hứng thú thì có thể cùng trao đổi thêm nhé :D
Truyện kiều còn là tiếng ta còn , tiếng ta còn là nước ta còn là nước ta còn . 2 câu nói của ông PQ tưởng chỉ lừa được 1 số người ít hiểu biết cách đây gần trăm năm . Vậy mà bây giờ nhiều kẻ được học hành tử tế vẫn còn nhắm mắt tuân theo tâm lí ngụy biện này . Đơn giản xin hỏi tác giả : hơn 80 năm bị Pháp đô hộ , nước VN có còn không ? Có tên trên bản đồ thế giới không ? Nếu nước còn thì bác Hồ và bao thế hệ cha ông phải hi sinh xương máu hơn 40 năm ( 1930 - 197…